Bài Giảng Trên Núi (Ma-thi-ơ 5–7)
Tác giả: Dale C. Allison, Jr.
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Bài Giảng Trên Núi là bài giảng đầu tiên trong năm bài giảng dài của Giê-su được ghi chép lại trong Phúc âm Ma-thi-ơ. Bài giảng này gồm có ba chương tóm tắt về giáo huấn đạo đức của Giê-su. Một trong những chủ đề chính của bài giảng này Luật pháp Môi-se (Ma-thi-ơ 5:17–48). Bài giảng này là đề tài tranh luận bởi vì, trái với Phao-lô và nhiều truyền thống Cơ đốc giáo sau này, nội dung của bài giảng dường như xác nhận rằng những người theo Giê-su vẫn nên tuân thủ toàn bộ Luật pháp, bao gồm phép cắt bì và các quy định về ăn uống. Cùng một lúc, bài giảng cũng có vẻ như bãi bỏ nhiều phần của Luật pháp (Ma-thi-ơ 5:31–48). Có phải nội dung của bài giảng này có mâu thuẫn với chính nó không? Hay là nó vẫn phù hợp với quan điểm của Phúc âm Ma-thi-ơ nói chung?
Bài Giảng Trên Núi có dạy rằng Cơ đốc nhân vẫn phải tuân theo Luật pháp Mô-sê?
Sáu phân đoạn đề cập đến luật pháp về sự giận dữ (Ma-thi-ơ 5:21–26), ham muốn (Ma-thi-ơ 5:27–30), ly dị (Ma-thi-ơ 5:31–32), thề thốt (Ma-thi-ơ 5:33–37), trả thù (Ma-thi-ơ 5:38–42) và tình yêu (Ma-thi-ơ 5:43–48). Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng những phân đoạn này đối chọi với nhau, vì theo quan điểm của họ, Giê-su và Mô-se không hòa hợp với nhau. Luật pháp Mô-se cho phép ly dị (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:1–4), cho phép thề (Lê-vi Ký 19:12, Dân-số Ký 30:2–3, Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:22) và trả thù (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:24–25, Lê-vi Ký 24:20, Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:21). Giê-su, lặp đi lặp lại câu “Song ta phán cùng các ngươi…,” nghiêm cấm tất cả các điều này.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề nảy sinh nếu chúng ta cho rằng Giê-su mâu thuẫn với luật pháp Mô-se. Ma-thi-ơ 5:17–20 nói rõ ràng rằng Giê-su không đến để bãi bỏ Luật pháp và Tiên tri. Trái lại, tất cả mọi người nên giữ những điều-răn và truyền dạy của Luật pháp Mô-se. Điều này được tuyên bố rất rõ ràng. Ý nghĩa của phân đoạn Ma-thi-ơ 5:17–20 dường như đã được đặt chính xác vào vị trí của nó để ngăn sự tưởng tượng của độc giả rằng Giê-su, trong các phân đoạn tiếp theo, có ý định bãi bỏ những lời dạy của Mô-se.
Nhưng điều này làm sao có thể hợp lý được, nếu Giê-su bãi bỏ ly dị, thề thốt, và cấm trả thù? Đây là một nan đề không có thật, nếu chúng ta nghĩ về mặt thực hành: những người tuân theo lời của Giê-su sẽ không vi phạm bất kỳ luật nào trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Mô-se có thể cho phép ly dị, nhưng ông không ra lệnh phải ly dị. Ông cho phép thề, nhưng không đòi hỏi phải thề. Và ông có thể cho phép trả thù, nhưng không bắt buộc. Vì vậy, cấm ly dị, cấm thề thốt và cấm trả thù không vi phạm những gì Luật lệ Mô-se đã chỉ thị.
Nhận xét này phù hợp với cách Ma-thi-ơ, so sánh với các phúc âm khác, xử sự một số vấn đề. Chẳng hạn, trong một cuộc thảo luận về phong tục ăn kiêng trong Mác 7:1–23, Mác nhận xét rằng Giê-su tuyên bố tất cả các loại thực phẩm đều sạch (Mác 7:19). Ma-thi-ơ, trong phiên đoạn của cùng một câu chuyện, không nói giống như vậy (Ma-thi-ơ 15:1–20). Sự bỏ sót này sẽ có ý nghĩa nếu các độc giả Cơ-đốc của Phúc âm Ma-thi-ơ vẫn phải tuân theo luật ăn kiêng và các luật khác của người Do Thái. Tương tự như vậy, trong Mác 13:18, Giê-su nói với môn đồ hãy cầu nguyện cho hoạn nạn không xảy ra trong mùa đông. Song song với điều này ở trong Ma-thi-ơ 24:20, Giê-su bảo môn đồ hãy cầu nguyện rằng họ sẽ không phải trốn tránh hoạn nạn vào mùa đông hay vào ngày Sa-bát. Bản dịch chi tiết này dường như cho rằng ngày Sa-bát vẫn còn quan trọng đối với độc giả của phúc âm này.
Một ví dụ nổi bật khác ở Ma-thi-ơ 23:23, Giê-su quở trách các nhà thông giáo và người Pha-ri-si bằng những lời này: “Hỡi kẻ giả-hình! các ngươi nộp một phần mười bạc-hà, thì là, và rau cần, mà bỏ qua các vấn đề quan trọng hơn của luật pháp: đó là công lý, lòng thương xót và đức tin. Đây chính là những điều ngươi phải làm mà không bỏ bê những điều khác.” Câu kết thúc, “mà không bỏ bê những điều khác,” dường như cho rằng Luật lệ Mô-se còn hiệu lực đối với những người theo Giê-su. Vì vậy, thật tự nhiên khi nghĩ về Phúc âm Ma-thi-ơ, đại diện cho một loại Cơ-đốc giáo tuân thủ luật pháp, một Cơ-đốc giáo Do Thái muốn giữ gìn các truyền thống cùng với các điều mới (Ma-thi-ơ 8:17, Ma-thi-ơ 13:52).
Bài Giảng Trên Núi có cố tình mâu thuẫn với Phao-lô không?
Ma-thi-ơ 5:17 dường như bác bỏ một sự hiểu lầm thực sự. Đó là, Ma-thi-ơ biết có người nào đó tin và dạy rằng Giê-su đến để hủy bỏ Luật pháp và Tiên tri. Nhưng cá nhân hay nhóm người nào mà Ma-thi-ơ phản đối? Ai đã dạy rằng thời đại của Luật pháp và Tiên tri đã chấm dứt với Giê-su? Một câu trả lời gần như chắc chắn gợi ý: Phao-lô. Ông dạy rằng các tín đồ Cơ đốc không cần phải tuân theo Luật lệ Môi-se, và theo như chúng ta biết, ông là một người nổi tiếng nhất về việc đề xuất những điều đó trong các hội thánh đầu tiên. Vậy có phải ông là đối tượng mà Ma-thi-ơ bác bỏ? Phân đoạn Ma-thi-ơ 5:17–20 chắc chắn có vẻ chống lại tư tưởng của Phao-lô.
Nhiều Cơ đốc nhân cho rằng Kinh Thánh bác bỏ quan niệm Ma-thi-ơ cố tình chống lại Phao-lô. Tuy nhiên, nếu chúng ta suy nghĩ theo phương diện lịch sử, thay vì theo phương diện thần học, thật khó để loại bỏ quan niệm này, ngay cả khi điều đó không thể chứng minh được. Càng hợp lý hơn thế nữa vì Công-vụ các Sứ-đồ, Rô-ma và Ga-la-ti cho thấy quan điểm của Phao-lồ về luật pháp đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số người Cơ đốc Do Thái không đồng ý với ông. Hơn nữa, một thư tín Tân Ước khác, Gia-cơ, tấn công quan điểm đức tin không có việc làm có thể cứu người (Gia-cơ 2:14–26). Từ thời Martin Luther trở đi, nhiều người đã lập luận một cách thuyết phục rằng Gia-cơ nhắm vào Phao-lô và phúc âm phi luật pháp của ông. Phúc âm Ma-thi-ơ cũng có thể giống như vậy, sách này có nhiều đồng quan điểm với Gia-cơ rất thú vị.
Bibliography
- Talbert, Charles. Reading the Sermon on the Mount: Character Formation and Decision Making in Matthew 5-7. Columbia: University of South Carolina Press, 2004.
- Allison, Dale. The Sermon on the Mount: Inspiring the Moral Imagination. New York: Crossroad, 1999.
- Carter, Warren. What Are They Saying about Matthew’s Sermon on the Mount? New York: Paulist Press, 1994.